Hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị điện tử tại Việt Nam Tại Hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị điện tử tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 4/10, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm và tăng cường sự kết nối với các tập đoàn đa quốc gia để tiếp cận chuỗi cung ứng ngành điện tử. Hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị điện tử tại Việt Nam Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử liên tục đứng đầu danh mục xuất khẩu, riêng trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử, điện gia dụng đạt khoảng 62 tỉ USD, chiếm 28,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng từ linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm hoàn chỉnh… chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Linh kiện và phụ tùng phục vụ cho sản xuất sản phẩm điện tử phần lớn đều nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 17%, chủ yếu ở các khâu có giá trị thấp như sản xuất linh kiện cơ khí, nhựa và cao su, bao bì và đóng gói, các loại sách hướng dẫn, khuôn đúc. Đây là một thách thức lớn đặt ra cho khoảng 98% trong tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử. Chia sẻ thêm về tình hình ngành điện tử trong nước, ông Nguyễn Trọng Hiệu, chuyên gia Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện cho biết, trong sản xuất linh kiện phụ tùng ngành điện tử, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện – điện tử là khu vực có nhiều cơ hội nhất cho ngành sản xuất trong nước nhưng các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng các khâu có giá trị thấp như bản mạch in, cụm dây điện, ắc quy, sách, bao bì. Trong khi đó, ở lĩnh vực sản xuất linh kiện nhựa cao su, các doanh nghiệp nội địa đã đáp ứng được 19% nhu cầu nhưng phần lớn là các sản phẩm có kích thước lớn, giá trị thấp. Theo ông Nguyễn Trọng Hiệu, hiện các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tham gia chuỗi giá trị điện tử như nguồn vốn hạn chế, công nghệ lạc hậu và không thích ứng với sự thay đổi liên tục của mặt hàng điện tử, trình độ quản trị hạn chế không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp đa quốc gia. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đa quốc gia thường có chuỗi cung ứng riêng nên các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn để tham gia vào chuỗi cung ứng này. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam thường không có đủ thông tin từ các công ty đa quốc gia về tiêu chuẩn công nghệ, quản trị, chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế đối với sản phẩm điện tử. Trước những khó khăn của doanh nghiệp nội địa khi tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử, ông Nguyễn Hoa Cương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường liên kết với các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc giúp các công ty đa quốc gia giảm chi phí khi sử dụng nguồn cung linh kiện, phụ tùng trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, thúc đẩy kết nối. Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiệu đề xuất: Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị điện tử, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi và làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực về quy trình sản xuất và vận hành, hỗ trợ chuyển giao, lan truyền công nghệ và thương mại hóa. Bên cạnh đó, cần có các chính sách thúc đẩy sản xuất tiết kiệm năng lượng, cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn và chứng nhận về sản phẩm của doanh nghiệp đa quốc gia, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển sáng tạo trong thiết kế để tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị điện tử cho các tập đoàn đa quốc gia, Công ty Hanel plastics, Hà Nội là một trong những doanh nghiệp thành công, chuyên sản xuất linh kiện nhựa trong lĩnh vực điện tử gia dụng, công nghiệp cung cấp cho các các doanh nghiệp đa quốc gia như Samsung, Canon, Panasonic, Brother… Chia sẻ kinh nghiệm trong việc tham gia chuỗi giá trị điện tử, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty Hanel plastics cho biết, để trở thành nhà cung cấp cấp 1, doanh nghiệp cần nắm được xu thế phát triển kinh tế của các tập đoàn quốc tế đầu tư tại Việt Nam, thực hiện đầu tư nguồn lực với mục tiêu dài hạn về thiết bị công nghệ đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp đối tác, tích cực cải tiến, luôn thực hiện theo cam kết và không bao giờ chối bỏ trách nhiệm, thích nghi với các phương pháp và hệ thống quản lý khoa học, toàn cầu. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Cường cũng kiến nghị, hiện đang có tình trạng các tỉnh, thành phố “trải thảm đỏ” kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư với các chính sách ưu đãi khác nhau dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp đa quốc gia di chuyển đến những nơi có sự ưu đãi lớn hơn, từ đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc cung ứng các sản phẩm linh kiện. Cần có sự kết nối giữa các địa phương và có một cơ chế chính sách chung từ Trung ương nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho các địa phương cũng như các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị điện tử. Ở góc độ địa phương, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Tp. Hồ Chí Minh lũy kế 9 tháng năm 2018 ước tăng 7,89% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, điểm sáng là sự tăng trưởng của ngành sản xuất hàng điện tử với mức tăng 18,28%. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu cao của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối. Tp. Hồ Chí Minh đang tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cung ứng, phát triển nguồn nhân lực để doanh nghiệp tiếp cận chuỗi giá trị ngành điện tử thông qua các chương trình đào tạo doanh nghiệp phát triển bền vững, đào tạo doanh nghiệp phát triển toàn diện theo chương trình đào tạo của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam của Samsung, chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp đầu tiên tại Việt Nam do Cục công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp Tổ chức Tài chính quốc tế và Ngân hàng Thế giới thực hiện./. Nguồn: https://bnews.vn/